Trong thời gian tới, tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) sẽ trở thành một trong những thứ không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Đây được xem là một bước tiến mới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có ĐDĐT quốc gia, bởi TKĐDĐT có thể được xem như “CCCD trên mạng. Hãy cùng Duntax tìm hiểu kĩ hơn về Tài khoản định danh điện tử cũng như cách để đăng ký, cụ thể:

Những điểm cần biết về tài khoản định danh điện tử

1. Tài khoản định danh điện tử là gì?

Theo Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.

TKĐDĐT chứa thông tin danh tính điện tử, là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (hiện nay là Bộ Công an).

2. Hai mức độ của TKĐDĐT:

TKĐDĐT của công dân Việt Nam có hai mức. Mức 1 gồm các thông tin cá nhân và ảnh chân dung; mức 2 có thêm thông tin về vân tay.

2.1. Thông tin TKĐDĐT cá nhân mức độ 1:

Tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 1 gồm các thông tin:

– Số định danh cá nhân;

– Họ tên;

– Ngày, tháng, năm sinh;

– Giới tính;

– Trường hợp là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

2.2. Thông tin TKĐDĐT cá nhân mức độ 2:

Tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 2 có đầy đủ thông tin cá nhân như cấp độ 1, ngoài ra còn có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.

2.3. Thông tin tài khoản định danh tổ chức:

Tài khoản định danh điện tử của tổ chức bao gồm các thông tin:

  • Mã định danh điện tử;
  • Tên tổ chức bằng tiếng Việt, tên viết tắt và tên tiếng nước ngoài (nếu có);
  • Ngày thành lập tổ chức;
  • Địa chỉ đặt trụ sở chính;
  • Số định danh, họ tên người đại diện theo pháp luật/người đứng đầu của tổ chức.

3. Đối tượng được đăng ký định danh điện tử:

Theo Điều 11 Nghị định 59, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:

– Công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; Công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

– Người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

– Cơ quan, tổ chức thành lập, đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

4. Giá trị sử dụng của TKĐDĐT:

Tài khoản định danh điện tử Mức độ 1 Mức độ 2
Cá nhân Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

 

Đối với công dân Việt Nam:

  • Tương đương như sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
  • Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.

 

Đối với người nước ngoài:

  • Có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
  • Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Tổ chức
  • Có giá trị chứng minh danh tính điện tử của tổ chức khi thực hiện giao dịch có yêu cầu chứng minh thông tin về tổ chức đó;
  • Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của tổ chức được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

5. Đăng ký tài khoản định danh điện tử cá nhân như thế nào?

Căn cứ các quy định tại Chương III Nghị định 59, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử thực hiện như sau:

5.1. Đăng ký TKĐDĐTử mức độ 1

Công dân Việt Nam đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, người nước ngoài tại Việt Nam tải và cài đặt ứng dụng VnelD trên thiết bị di động.

Sau đó, nhập thông tin về số định danh cá nhân/số hộ chiếu (đối với người nước ngoài); số điện thoại/địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân.

Cuối cùng, gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.

Cơ quan quản lý định danh điện tử sẽ có thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

5.2. Đăng ký TKĐDĐ mức độ 2

Đối với công dân Việt Nam:

– Người đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.

Công dân xuất trình Căn cước công dân gắn chíp, cung cấp thông tin về số điện thoại/địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Cơ quan quản lý thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

– Trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp: Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân.

Đối với người nước ngoài:

Người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử. Sau đó xuất trình Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, cung cấp thông tin địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.

Cơ quan quản lý thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

5.3 Đăng ký TKĐDĐT tổ chức như thế nào?

Theo Điều 16 Nghị định 59, người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu của tổ chức (đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đăng nhập ứng dụng VNelD để đăng ký tài khoản định danh điện tử cho tổ chức.

Tiếp theo, tiến hành cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.

Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử sẽ tiến hành xác thực thông tin về tổ chức trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trường hợp thông tin về tổ chức chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia thì thực hiện xác minh thông tin tổ chức và thông báo kết quả đăng ký tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VnelD/tin nhắn SMS/địa chỉ thư điện tử.

6. Thời gian cấp TKĐDĐT mất bao lâu?

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Nghị định này, cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cấp TKĐDĐT trong thời hạn như sau:

6.1. Đối với công dân Việt Nam

– Trường hợp đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp:

Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1: Không quá 01 ngày làm việc.

Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2: không quá 03 ngày làm việc.

– Trường hợp chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chíp: Không quá 07 ngày làm việc.

6.2. Đối với người nước ngoài

– trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 1: Không quá 01 ngày làm việc.

– Trường hợp cấp TKĐDĐT mức độ 2:

Đã có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh: Không quá 03 ngày làm việc.

Chưa có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh: Không quá 07 ngày làm.

6.3. Đối với tổ chức

– Trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Không quá 01 ngày làm việc.

– Trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Không quá 15 ngày.

7. Đăng ký TKĐDĐT có mất phí hay không?

Theo Điều 31 Nghị định 59, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không mất chi phí đăng ký TKĐDĐT và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Việc đăng ký TKĐDĐT là không bắt buộc, dù vậy Bộ Công an khuyến khích công dân nên đăng ký sử dụng TKĐDĐT để được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công.

Nguồn: luatvietnam.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *